Buổi Livestream ngày 28/8 với chủ đề “Bứt tốc đạt Aim quý cuối” của IELTS Xuân Phi cùng thầy David- cựu Examiner BC đã diễn ra vô cùng sôi nổi. Trong buổi Livestream, thầy David đã có những chia sẻ rất chi tiết và bổ ích về việc học và thi IELTS, từ những điều kiện giúp bật Band, đến việc tăng động lực học, cách học các kỹ năng khó Speaking & Writing,… Có 5 nội dung chính thầy đã chia sẻ cực kỳ tâm huyết, IELTS Xuân Phi đã tóm tắt lại dưới đây để các bạn xem kỹ và áp dụng vào quá trình học một cách hiệu quả.
Để tăng 1.0 Band IELTS cần bao nhiêu thời gian?
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng, nhưng có thể chia làm hai nhóm thế này. Nhóm 1 – “High Level”. Nếu bạn ở nhóm “High Level”, tức là đã có khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo rồi thì có khi chỉ cần 1 tháng thậm chí ngắn hơn là đã bật được Band điểm. Tuy nhiên số bạn thuộc nhóm này khá ít. Phần lớn các bạn sẽ thuộc nhóm mới học hoặc khả năng sử dụng tiếng Anh thực còn chưa tốt, sẽ cần nhiều thời gian hơn và có nhiều thứ cần học. Bên cạnh đó có một số yếu tố như điểm mạnh-yếu của bản thân, số giờ học mỗi ngày cũng ảnh hưởng đến thời gian tăng Band điểm của các bạn. Ngoài ra, càng có mục tiêu lên Band cao thì thời gian sẽ càng dài. Ví dụ như việc tăng Band từ 7.0->8.0 sẽ mất nhiều thời gian hơn so với việc muốn tăng từ 5.0-> 6.0. Các bạn nên cân nhắc đến tất cả các yếu tố đó để lên kế hoạch học tập và lên thời gian ôn luyện phù hợp.
Thầy cũng hay nhận được những câu hỏi như trong 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng có thể đạt được Band điểm mong muốn không. Tuy nhiên, thay vì định ra các mốc thời gian như vậy và chỉ ôn trong khoảng thời gian đó, các bạn hãy học luôn và học hết sức mình. Việc dự đoán thời gian chỉ là tương đối, điều quan trọng nhất là phải thật sự quyết tâm thì mới có thể đạt được Aim. Do the best, the rest will come!
Học sinh gặp khó khăn nhiều nhất ở kỹ năng nào?
Hầu hết các bạn đều gặp khó khăn ở 2 kỹ năng Writing và Speaking. Thực tế thì dù sử dụng ngôn ngữ nào (kể cả tiếng mẹ đẻ) thì lượng từ vựng chúng ta có thể Nghe và Đọc cũng sẽ nhiều hơn lượng từ chúng ta có thể Nói và Viết. Vì vậy việc Listening và Reading điểm cao hơn Speaking Và Writing là điều rất bình thường.
Vậy làm sao để khoảng cách giữa vốn từ chúng ta có thể Nghe/Đọc được đến vốn từ có thể Nói/Viết được thu hẹp lại? Hay nói cách khác, làm sao để làm tốt được 2 kỹ năng Speaking và Writing? Câu trả lời là “PRACTICE”, “No practice – No gain”. Hãy thực hành thật nhiều và chúng ta sẽ tốt lên. Ví dụ, các bạn nên dùng đi dùng lại những từ đã học, để những từ vựng đó chạy đi chạy lại nhiều trong đầu và tăng khả năng ghi nhớ. Nhiều bạn đã biết điều này, nhưng làm sao để thực hành hiệu quả thì vẫn còn băn khoăn.
Việc thực hành chắc chắn không thể có kết quả rõ rệt trong 1,2 ngày hay thậm chí 1,2 tháng. Các bạn thường bắt đầu học khi thời gian khá gấp rút, phải học nhồi nhét thậm chí 10-15h/ngày; tuy nhiên điều này sẽ không hiệu quả bằng việc các bạn chia nhỏ thời gian trong một lộ trình phù hợp (ví dụ từ 3-4 tháng, 2-3h học/ngày). Việc phân bổ thời gian học vừa phải sẽ giúp các bạn có vừa học, vừa có thể xem lại kiến thức, lúc đó tỉ lệ quên kiến thức sẽ giảm đi đáng kể, và việc sử dụng kiến thức sẽ hiệu quả hơn. Chính vì vậy, việc chuẩn bị sớm, học sớm và học đều đặn là rất cần thiết.
Những lý do nào khiến các bạn gặp khó khăn trong việc học IELTS?
Có rất nhiều lý do dẫn đến việc các bạn gặp khó khăn, ví dụ như thiếu sự tập trung, thiếu động lực, do không có lộ trình học cụ thể nên dễ nản, do không có người chấm chữa hay hướng dẫn,…
Trong số những khó khăn đó thì việc thiếu động lực là phổ biến nhất. Bản chất của việc không thể tập trung, hay cảm thấy lười học thực ra không phải nguyên nhân, mà đó là kết quả. Nó là kết quả của việc chúng ta cảm thấy không tiến bộ, hoặc thấy việc học quá khó khăn, không có định hướng rõ ràng. Các bạn có thể khắc phục bằng cách thường xuyên tạo ra những kết quả nhỏ trong việc học.
Ví dụ, bạn lên trên mạng và xem một video về chủ đề Technology và ghi chép lại các từ vựng hay; sau đó khi luyện Speaking về chủ đề Technology bạn có thể sử dụng luôn 1 số từ mới trong đó; khi học Writing cùng chủ đề cũng có thể áp dụng luôn để viết. Như vậy sẽ tạo cho bản thân tâm lý vui vẻ, tự tin hơn khi học, nhìn thấy việc học có kết quả một cách rõ ràng hơn. Các bạn cũng nên luyện tập những phần kiến thức thật nhỏ thôi, đừng nên luyện Full test nhiều thì sẽ đỡ cảm thấy áp lực và nản trong quá trình học nhé.
Yếu tố nào cần quan tâm khi xây dựng Lộ trình học?
Tất cả những yếu tố như Band điểm hiện tại, Band điểm mục tiêu hay lượng thời gian học mỗi ngày đều quan trọng trong việc xây dựng Lộ trình học. Chúng ta phải dựa vào tất cả các yếu tố đó, không phụ thuộc vào riêng 1 yếu tố nào cả thì mới xây được Lộ trình học phù hợp nhất.
Ví dụ như lượng thời gian học mỗi ngày, đương nhiên có nhiều thời gian học thì sẽ tốt hơn nhưng không có nghĩa người học 10h/ngày sẽ tiếp thu kiến thức nhiều gấp 5 lần người học 2h/ngày. Còn nếu chỉ để ý đến Band điểm mục tiêu, không chú ý đến khả năng hiện tại thì cũng rất có thể sẽ gặp khó khăn trong vấn đề định hướng và tài liệu học phù hợp. Tóm lại, để xây được Lộ trình học đúng, các bạn nên làm bài Test để biết chính xác Band điểm hiện tại, so với Band điểm mục tiêu, vạch ra thời gian biểu hợp lý theo quỹ thời gian hiện có. Cần làm rõ từng yếu tố này, biết mình ở đâu và cần làm gì thì sẽ theo đúng lộ trình học mà bản thân mong muốn.
Cách để lên ý tưởng trong bài Writing Task 2
Có rất nhiều cách giúp các bạn có thể lên ý tưởng, thường chúng ta sẽ dựa vào vốn hiểu biết sẵn có của bản thân. Tuy nhiên, có một cách khá thú vị đó là chuyển góc nhìn. Ví dụ, bình thường chúng ta sẽ nghĩ “có nên cấm săn bắn hay không?”, nhưng hãy thử đổi một vài góc nhìn từ những người khác “những người thợ săn nghĩ gì về điều này?”, “Chính phủ sẽ nghĩ thế nào?”, “những người bảo vệ động vật sẽ nghĩ sao?”,… Như vậy các bạn sẽ có nhiều góc nhìn và quan điểm hơn, từ đó việc phát triển ý tưởng cũng dễ dàng hơn.