1. Reading
* Xử lý dạng Matching Headings
– Dạ em chào anh, năm nay e lớp 12 và đang chuẩn bị cho kì thi Đại học vào năm sau. Em hiện tại đang tầm band 5.0 và mong đạt được 7.0 vào cuối tháng 12 để thi ạ. Em muốn cải thiện kĩ năng Reading và Listening ạ, phần Reading thì làm sao mình có thể tối ưu việc trả lời ở các câu hỏi điền không quá số từ quy định ạ (do em cảm thấy nhiều từ phù hợp để điền vào quá), phần Matching headings thì em làm cuối cùng nhưng vẫn cảm thấy khó khăn quá ạ.
– Em bị yếu reading phần matching heading ạ
– Em muốn hỏi về phương pháp làm dạng matching của lis và reading ạ
Trả lời
Dạng Matching Headings trong Reading quả thực rất khó. Trước đây anh cũng hay sai các dạng bài này nhưng sau khi biết và áp dụng 1 số Tips sau thì đã cải thiện rất nhiều. Các bạn tham khảo nhé:
(1) Làm cuối cùng. Dạng bài này thường xuất hiện đầu tiên nhưng anh khuyên các bạn không nên làm ngay mà làm những câu hỏi khác trước để hiểu được nội dung bài đã rồi mới quay lại làm.
(2) Để ý sai dây chuyền. Khi làm bài đừng loại trừ các đáp án đã chọn vì chưa chắc đó đã là đáp án đúng. Phương án nào chọn rồi vẫn có thể chọn lại.
(3) Lập keyword table sau khi làm. Đây là bảng tổng hợp các cụm từ đã được paraphrase trong bài, hay nói cách khác là bảng ghi các từ đồng nghĩa. Các bạn thường khó tìm thông tin hơn nếu đáp án và bài đọc bị paraphrase nên việc làm này rất quan trọng.
Ngoài ra, các bạn có thể áp dụng các Tips trên và làm riêng dạng Matching trong các tài liệu Test Plus 2, 3 và IELTS Trainer 2 để luyện tập nha.
* Cách học từ vựng
– Em muốn tìm cách học lên band lis read 8+ ạ. Band hiện tại của em là 6.5-7.5 tùy vào mức độ bài(trung bình là 7 ạ). Hàng ngày e làm 1 bài lis và read chữa rất cẩn thận, read thì e học hết từ mới (tính từ, động từ, trạng từ quan trọng), lis thì e cũng check từ ms và phát âm của từ mà 2 tháng nay vẫn giữ nguyên band ạ????
– Reading: Em bị tắc ở band 5.5 – 6.0. Em cũng luyện đề Cam là chủ yếu và em thấy em chủ yếu bị tốn nhiều thời gian để hiểu ý của bài và cảm thấy thiếu từ vựng. Em chưa bao giờ làm kịp thời gian cả 3 đoạn văn nên hay lụi về cuối. Em có học và lọc từ vựng ở quyển Cam ra nhưng thấy bị ngợp vì có quá nhiều từ để học. Anh có thể cho em lời khuyên về cách học từ vựng và nâng band reading hiệu quả không ạ? (aim 7.5)
Trả lời
Từ vựng là một trong những vấn đề được các bạn quan tâm nhất khi nói về Reading. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi đây là yếu tố then chốt giúp các bạn bật Band điểm. Anh sẽ chia sẻ thật chi tiết về phần này (kèm tài liệu) để các bạn học thật hiệu quả nha.
Nên học bao nhiêu từ vựng để đạt Aim 7, Aim 8? Theo một số nguồn thì để đạt 6.0 cần 5500-6000 từ, 7.0 cần 8500-9000 từ, 8.0+ chắc chắn cần nhiều hơn và phải biết cả một số từ chuyên ngành nữa. Số lượng nghe rất lớn nhưng cũng có nhiều cách để học nhanh.
Vậy nên học nhanh từ vựng thế nào? Thay vì tự đi lọc từ vựng và ghi chú, có thể học theo các list có sẵn. Như học viên của anh, các bạn được học list từ cơ bản trong tiếng Anh -> List từ cơ bản IELTS Listening, Reading -> List từ vựng nâng cao theo chủ đề …(Anh để link tải ở dưới nha). Đồng thời, trong quá trình học cũng nên tích cực dùng các app như Quizlet, Cram… để tăng khả năng ghi nhớ từ vựng. Các App thiết kế theo dạng Game, chơi rất vui, giảm căng thẳng được rất nhiều.
Bộ từ vựng cơ bản: https://ieltsxuanphi.edu.vn/bo-tu-vung-co-ban-cho-ielts-reading-trong-28-ngay/
Bộ từ vựng nâng cao: https://ieltsxuanphi.edu.vn/but-pha-tu-vung-ielts-reading-nang-cao-trong-4-tuan/
Các App học từ vựng hiệu quả:
https://ieltsxuanphi.edu.vn/review-3-app-hoc-tu-vung-reading-hieu-qua-nhat-hien-nay/
Để ghi nhớ từ vựng hiệu quả, quan trọng nhất vẫn là phải SỬ DỤNG để từ vựng không bị “chết”. Cố gắng luyện tập nhiều, Nạp và Xả liên tục. Các bạn có thể đặt câu với từ mới, đặt từ vựng vào trong ngữ cảnh sẽ giúp ghi nhớ tốt hơn. Thêm vào đó, các bạn nên áp dụng phương pháp “Spaced Repetition”, tức phương pháp “Lặp lại ngắt quãng”, rất hiệu quả khi học từ vựng:
Mỗi ngày các bạn chỉ học khoảng 15-20 từ mới. Sau đó khoảng hai ngày lại ôn lại những từ đã học. Từ nào nhớ rồi sẽ cho vào một list từ riêng, từ nào chưa nhớ cho vào list khác để hai ngày sau ôn lại tiếp. Cứ xen kẽ việc học từ mới và ôn lại từ đã học như vậy cho đến khi từ mới lưu lại ở bộ nhớ vĩnh viễn chứ không phải tạm thời nữa.
Cách học từ vựng của anh chỉ gói gọn như vậy thôi, quan trọng nhất vẫn là luyện tập thật đều đặn. Không cần nhồi nhét 80-100 từ/ ngày rồi hôm sau quên sạch, cứ chia nhỏ ra học sẽ đỡ áp lực và hiệu quả hơn nhé.
2. Listening
* Dạng điền từ (Part 1&4) trong Listening
– Phần Listening thì e gặp khó khăn khi nghe điền từ vào chỗ trống ở Part 1 và 4 ạ, dạng như e nghe bị miss từ để điền vào và không biết từ nào nên điền vào ạ.
– Em cảm thấy các kĩ năng mình bị yếu đặc biệt là Listening section 4 ạ.
Trả lời
Nếu còn yếu Part 1 và 4 thì khả năng Nghe thông tin chi tiết (Listening for Detail) còn chưa vững. Các bạn nên luyện tập nghe sâu để tăng khả năng nhận biết được từng âm, từng từ khi nghe. Có thể tập bằng cách tua đi tua lại từng câu trong một đoạn audio ở mức độ khó cao hoặc tập nhại theo một đoạn audio ở mức độ khó thấp. Các bạn có thể tập nghe chép chính tả bằng cách sử dụng chính bài test IELTS, nghe nhại ở các Part dễ và nghe tua đi tua lại ở các Part khó hơn. Bạn nào làm Part 1 và Part 4 còn sai trên 3-4/10 thì cần dành nhiều thời gian để luyện như vậy nha.
* Nghe hiểu Listening
– Làm thế nào để nghe hiểu listening vậy ạ?
– Listening: Em đang bị dậm chân mãi ở band 5.5 – 6.0 mà mục tiêu của em là 7.5 ạ. Em có luyện đề chủ yếu là ở quyển Cambridge, có nghe chép chính tả Cam và các video trên Ted -ed nhưng mãi không thể lên band. Em thấy em hay sai chủ yếu ở dạng Map, matching hoặc multiple choice, em thử take note nhưng không kịp và không nghe được nhiều nhất là part 3 ạ. Anh có thể cho em lời khuyên không ạ?
– Khi e nghe listening nhiều khi e ko nghe hiểu gì hết, hay nhiều khi nghe được nhưng lại ko load đc đó là từ gì cả ạ.
Trả lời
Nghe hiểu là yếu tố then chốt nhất khi làm bất kỳ dạng bài nào của Listening. Đối với các bạn aim 7.0+ trở lên, kỹ năng này được xem như bắt buộc phải có.
Các bạn có thể luyện tập theo phương pháp Nghe chép Take note: Nghe không dừng từ đầu đến cuối một đoạn audio ngắn, ghi chú tất cả những gì có thể rồi tự tổng hợp lại nội dung đã nghe được trước khi nghe lại từ đầu. Không cần nghe nội dung phức tạp, cứ luyện đoạn ngắn 2’-3’ trước, rồi dần tăng độ khó, độ dài lên sau.
Cách luyện Nghe hiểu rất đơn giản, nhưng cái khó là cần sự kiên trì và đều đặn. Các bạn nên tập thường xuyên ít nhất 30’/ ngày, như vậy mới có thể cải thiện nhanh chóng.
Thêm một yếu tố quan trọng nữa, đó là làm quen với việc nghe tiếng Anh. Do chưa quen với cách diễn đạt của người bản xứ nên đôi khi dù hiểu nghĩa từng từ trong câu, nhưng lại không hiểu nghĩa của cả câu. Cách khắc phục tốt nhất đó là chăm xem Script để nắm được cách diễn đạt và cấu trúc ngữ pháp người bản xứ hay sử dụng. Biết cách tận dụng Script sẽ tăng Band rất hiệu quả, nếu các bạn quan tâm thì gửi vào Q&A lần sau anh sẽ chia sẻ chi tiết hơn nha.
* Luyện nghe thực
– Listening em tự ti lắm luôn ạ. Em test chỉ đc 4.0 thôi. Em thường bị miss thông tin và thực sự ít khi load kịp nội dung bài nghe. Hiện em đang nghe chép chính tả part 1 và 2, nhại theo nữa ạ. Nhưng thực sự em thấy nản nhiều và cảm thấy bản thân mình chưa đủ nỗ lực.
– Dạ listening 4.0-4.5 và reading 5.5-6.0 thì em nên ôn luyện như thế nào?
– Listening của e đang ở 3.0,e còn tròn 1 năm để ôn thì có cách nào để lên 6.5 ko ạ?
Trả lời
Với các bạn còn đang yếu Listening, nền tảng chưa vững thì không nên luyện đề IELTS ngay mà cần rèn khả năng nghe thực trước.
Các bạn nên tham khảo một số sách ở level cơ bản để nắm được các phương pháp học và làm những bài luyện tập đơn giản, ví dụ như cuốn Tactics for Listening, Listening Strategies for the IELTS Test. Bên cạnh đó, các bạn tập thêm Nghe chép chính tả những nguồn ngắn, dễ trước trên các website như listenaminute.com, dailydictation.com hoặc esl-lab.com. Cách luyện tập cũng rất đơn giản, sau khi tìm được file nghe-> Bật và tạm dừng để chép từng câu-> Xem transcript và take note lại phần mình chưa nghe được để xem mình chép đúng/ sai từng từ, từng âm như thế nào.
Nếu em ngại chép dài, nhanh bị nản, hãy tập với các nguồn nghe được đơn giản hóa dưới dạng bài đục lỗ cũng rất hiệu quả nhé. Ngoài ra, nếu vẫn còn thời gian, các bạn nên kết hợp với việc nghe Podcast, xem phim, nghe nhạc để tiếng Anh được ngấm tự nhiên. Có như vậy việc học mới thú vị, nhờ vậy khả năng cũng được cải thiện nhanh hơn nữa đó.
Sau khoảng 1-2 tháng ổn rồi thì chuyển sang Nghe chép Cam Part 1+2 trước, cố gắng đạt mục tiêu đúng 8/10 câu ở giai đoạn này rồi mới chuyển sang Part 3,4 nha.
3. Speaking
* Xử lý vấn đề bí ý tưởng khi nói
– Em chào anh ạ, em dự định thi vào tháng 2/2025 nhưng speaking của em chưa ổn ạ, em còn bí idea nhiều ạ, anh có thể chia sẻ cách lên 6.5 speaking không ạ?
– Speaking nếu vào chủ đề quen thuộc thì e sẽ có ý để nói nhưng vào chủ đề e ko biết là e sẽ k nghĩ ra được gì luôn ạ đặc biệt là p2, p3 e thấy cũng khá khó với em vì e chưa biết triển khai ý ạ.
– Phần speaking em lo nhất luôn ạ, aim 6.5. Em có phát âm ổn, ngữ pháp ổn, nhưng hay bị bí idea với bí từ nên bài nói hay bị ngắt quãng.
Trả lời
Bí ý tưởng là vấn đề rất nhiều bạn luyện Speaking gặp phải. Nguyên nhân có thể là do thiếu vốn kiến thức ở một chủ đề nhất định, hoặc có kiến thức nhưng không sâu, không phân tích thêm được. Anh sẽ chia sẻ chi tiết về cách cải thiện cả 3 Parts dưới đây nha:
(1) Part 1: “As an examiner, I can tell you Part 1 doesn’t count” là câu thầy dạy Speaking từng nói với anh. Đại ý là Part 1 không ảnh hưởng nhiều đến band điểm. Nó cũng có nghĩa hãy trả lời đơn giản, không cần gắng gượng đưa những cách suy nghĩ idea phức tạp, từ vựng học thuật hay ngữ pháp nâng cao vào đây. Thay vào đó, hãy (1) trả lời trực tiếp vào câu hỏi (2) mở rộng ý tưởng một cách nhẹ nhàng, đơn giản bằng công thức 5W1H (What, Where, When, Why, Who, How) hay PP (Past – Present) các bạn nhé.
(2) Part 2: Trong khóa học của IELTS Xuân Phi có 7 cách phát triển ý tưởng. Tuy nhiên, các bạn nắm được 4 cách sau cũng có thể phát triển ý tưởng tương đối ổn rồi, gồm Full Introduction (Chiến thuật mở bài gián tiếp), Include a saying/ quote (Chiến thuật mượn lời trích dẫn), Say what the item is not (Phát triển ý theo hướng ngược lại) và Compare( So sánh) có thể dùng được cho tất cả các đề. Anh hướng dẫn chi tiết ở Link sau, các bạn tham khảo nhé: https://ieltsxuanphi.edu.vn/cach-phat-trien-y-tuong-ielts-speaking-part-2/
(3) Part 3: Phát triển ý tưởng với Công thức PEER. Đây là công thức vốn được sử dụng cho Writing nhưng gần đây có rất nhiều bạn sử dụng cho Speaking Part 3 thành công. Đầu tiên, các bạn nêu một Point trả lời trực tiếp câu hỏi, sau đó mở rộng bằng Explanation (Giải thích), Example (Ví dụ) và Result (Kết quả). Ý tưởng cho Point cũng có thể lấy từ kho ý tưởng trả lời cho Writing Task 2. Như vậy, Part 3 thực chất không cần ôn riêng tài liệu, kiến thức mà cứ tận dùng từ Writing sang. Đúng nghĩa Học 1 được 2.
Quan trọng nhất đó chính là việc các bạn tích lũy được kiến thức đa lĩnh vực, càng nhiều càng tốt. Việc này đòi hỏi thời gian, sự chăm chỉ và luyện tập thường xuyên chứ không thể chỉ phụ thuộc vào phương pháp anh vừa chia sẻ. Các bạn cố gắng dành thời gian xem báo, đọc sách mỗi ngày (báo nước ngoài thì càng tốt, để có thêm kiến thức, ý tưởng và cả từ vựng luôn.
* Cách luyện Phát âm
– Em cảm thấy mình gặp rắc rối với phần pronunciation ạ. Khi nói chậm, từ từ thì em có thể phát âm chuẩn, điều này em làm tốt ở phần part 1 speaking, nhưng sang part 2 thì em có xu hướng nói nhanh hơn nên phần phát âm gặp ảnh hưởng ạ, em sợ giám khảo sẽ không thể hiểu được 100% những gì em nói ra dẫn đến ảnh hưởng về band điểm ạ. Fluency của em ổn ạ.
Trả lời
Phát âm là yếu tố đầu tiên các bạn cần học và phải luyện thật kỹ trong IELTS Speaking. Nó không chỉ là 1 trong 4 tiêu chí chấm điểm chính, mà nó còn ảnh hưởng đến cả trải nghiệm giao tiếp giữa các bạn và Examiner. Để luyện tập Pronunciation, các bạn áp dụng 3 bước đơn giản sau đây:
B1: LỌC ÂM – 2 tuần
Chúng ta không cần phải xem hết phải học hết 44 âm cơ bản trong tiếng Anh vì nhiều âm đã khá gần với phát âm tiếng Việt, có thể tự được chỉnh khi tập nói sau này. Thay vào đó, hãy lọc ra khoảng 10+ âm mà tiếng Việt không có, hoặc bản thân các em cảm thấy khó nói. Nhất là bạn nào bị ngọng L/N, không nói được âm R thì cần ưu tiên tập trước nhé. Danh sách các âm tham khảo xem tại LINK.
B2: GHÉP TỪ – 2 tuần
Đây là bước luyện “dẻo miệng”, cho các bộ phận gồm lưỡi, môi, họng di chuyển linh hoạt, phối hợp nhịp nhàng với nhau. Bắt đầu với từ có 2 âm tiết rồi tăng dần lên 3 – 4 – 5 âm tiết. Cứ mạnh dạng “làm quá” lên, đưa môi, đưa lưỡi thật nhiều vào cho quen. Anh có để list các từ giúp phối hợp cơ trong LINK dưới rồi nhé.
https://ieltsxuanphi.edu.vn/nhay-vot-phat-am-ielts-nho-loc-am-va-ghep-tu/
B3: GHÉP CÂU – 4 tuần
Khi tập ghép câu, hãy lấy 1 file nào đó đọc chậm, phát âm chuẩn và rõ ràng để nhại theo. Nếu bạn nào muốn nói theo giọng Anh hay giọng Mỹ thì nên chọn ngay từ đầu và kiên trì theo một loại giọng đó để ngấm được các phát âm, cách nói của người bản xứ.
Để có thêm Intonation, các em tập dần theo các bước: Trọng âm từ -> Trọng âm câu -> Ngữ điệu. Đừng chỉ học ngữ điệu không, câu nói sẽ không tự nhiên.
* Tăng độ trôi chảy, phản xạ tốt
– Dạ hiện tại e hay bị mắc lỗi fluency trong Speaking thì cải thiện như thế nào ạ? E thi tháng 10, band Speaking hiện tại của e tầm 6.0, aim 7.0 liệu có khả thi k ạ?
– Speaking: Đây là nỗi sợ của em. Em hay bị thiếu tự tin trước giám khảo và chủ yếu dành thời gian để nghĩ từ bởi vì phản xạ của em không tốt lắm. Em chưa tìm được cách khắc phục và em cũng bị thiếu từ vựng nữa hay phải dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh nên hay ngập ngừng. Anh cho em xin lời khuyên với ạ. (aim 6.5)
Trả lời
Speaking quan trọng nhất là PHẢN XẠ. Bởi vì vào phòng thi, gặp giám khảo là gần mọi thứ chiến thuật, kỹ thuật hay từ vựng “fancy” đều nhanh chóng tan thành mây khói hết. Chính vì vậy, tuyệt đối không học thuộc Script. Chỉ có những gì các bạn đã luyện thành phản xạ, dùng được tự nhiên mà không cần để ý tới thì mới phát huy được tác dụng.
Để có được phản xạ tốt, kỹ năng thực sẽ chiếm 80% số điểm còn mẹo/tips chỉ chiếm 20% thôi. Vì vậy, các bạn nên cải thiện phản xạ từ và cả phản xạ phát âm. Cách tốt nhất là luyện Freetalk để quen với việc truyền đạt ngôn ngữ tự nhiên – nói về bất cứ chủ đề gì, không cần theo form IELTS. Tập nói những câu đơn trước cho quen, lưu ý phát âm chuẩn, rõ từ. Ban đầu có thể không cần nói câu dài, luyện thật tốt với các câu đơn rồi phát triển thêm sau.
Khi đã nói tốt các câu đơn và chuyển sang giai đoạn luyện nói câu dài, đoạn dài, có một cách để tăng độ trôi chảy cực hiệu quả mà anh hay chia sẻ, đó là áp dụng công thức JAM (Just A Minute). Phương pháp này gồm 3 bước cơ bản như sau:
B1: Nói về chủ đề đã chọn trong vòng 1 phút (không có sự chuẩn bị trước, không ghi chép)
B2: Nhớ lại những gì đã nói ở bước 1 và ghi chép lại. Sau đó, tiếp tục nói về chủ đề đã chọn một lần nữa trong thời gian 1 phút.
B3: Từ các ý tưởng đã được ghi lại ở bước 2, mở rộng thêm ý và tiếp tục nói trong vòng 1 phút.
Cách này rất hay nhưng anh thấy chưa nhiều bạn biết, các bạn thử áp dụng và phản hồi lại với anh kết quả nha!
Ngoài ra, việc có Partner rất quan trọng và giúp luyện tập Speaking hiệu quả hơn, đặc biệt về mặt tâm lý. Các cũng không cần thiết phải luyện với Partner là giáo viên, chỉ cần luyện với trợ giảng hoặc bạn bè có trình độ khoảng 6.5 trở lên là ổn rồi nhé. Có thêm người luyện tập cùng cũng sẽ có thêm động lực đúng không nào.
4. Writing
* Ý tưởng trong Writing và công thức PEER
– writing của e hiện tại đang ở mức 5.5, em muốn hỏi là làm thế nào để cải thiện khả năng này nhất là writing task 2 vì nhiều khi gặp những đề khó em đều bí ý tưởng hoặc nếu có thì không diễn tả được bằng tiếng anh ạ?
– Em hay bị bí ý tưởng cho part 3 Speaking và cả writing task 2 luôn ạ.
– Viết được P rồi thì EER tịt luôn. Thầy cứu em với, làm sao để viết mà ý tưởng nó tuôn trào rồi nó không bị thiếu thuyết phục và chủ quan ạ.
Trả lời
Để có ý tưởng khi viết, không còn cách nào khác ngoài “Nạp” kiến thức. Các bạn có thể mở rộng kho ý tưởng của bản thân bằng những cách sau:
(1) Đọc nhiều sách, báo, xem phim đa dạng chủ đề để lấy thông tin
(2) Đọc bài mẫu để lấy ý tưởng, ngoài ra còn học được cách diễn đạt, dùng từ
(3) Đọc trong tài liệu kho ý tưởng của IELTS Xuân Phi (anh để Link tài liệu bên dưới nhé*)
Mỗi ngày cố gắng Brainstorm 2-3 đề, 1 tuần viết 2 Full test. Có thời gian thì sau khi Brainstorm, các bạn làm luôn Outline thì càng tốt. Học như vậy khi vào phòng thi không bị mất nhiều thời gian nghĩ ngợi.
Ngoài ra, các bạn có thể sử dụng cách GỘP đề thành từng nhóm chủ đề lớn. Khi ôn luyện thì cứ ôn theo từng nhóm chủ đề một để sử dụng chéo ý tưởng. Chẳng may đi thi gặp đề “dị” một chút nhưng nếu trùng với chủ đề đã ôn thì vẫn có khả năng xoay sở được.
(*) Các bạn tải tài liệu Kho ý tưởng tại đây: https://ieltsxuanphi.edu.vn/wp-content/uploads/2021/10/KHO-Y-TUONG-WRITING-TASK-2-PUBLIC-VERSION.pdf
Khi đã có đủ “vốn” ý tưởng thì việc triển khai ý tưởng sao cho mạch lạc, logic cũng vô cùng quan trọng. Các bạn có thể tham khảo công thức PEER để giúp triển khi bài viết logic, mạch lạc rõ ràng hơn. Cụ thể là sau khi viết câu Point (Luận điểm), sẽ mở rộng thêm bằng Explanation, Example và Result. Việc học và luyện tập theo công thức PEER không quá khó, nhưng cần thời gian để thực sự quen và làm đúng. Anh hướng dẫn chi tiết về công thức PEER ở tài liệu này, các bạn tham khảo nha: https://ieltsxuanphi.edu.vn/cam-nang-huong-dan-mo-rong-y-tuong-cong-thuc-peer/
* Xây dựng Ngữ pháp & Khung bài viết
– Làm cách nào để học IELTS Writing và Speaking hiệu quả ạ? Trình độ W+S của em đang là 4.5-5.0. Em thực sự không đủ từ vựng để biểu đạt điều mình muốn nói, ngữ pháp sơ đẳng, cảm giác bị hạn chế như vậy khiến em không có động lực để cải thiện bản thân.
– Hiện tại em đang band 5 , yếu về speaking và writing ( câu cú không rõ ràng và không biết cách triển khai ý tưởng) thì có cách nào tự học hiệu quả không ạ?
Trả lời
Với Band điểm trên thì ngữ pháp và khung bài viết của các bạn có thể chưa chuẩn, nên cần học lại bài bản từ đầu.
Trước tiên, các bạn học những chủ điểm ngữ pháp cơ bản và nắm chắc. Ví dụ về Thì của động từ, tập trung vào 4 thì chính: Hiện tại đơn, Quá khứ đơn, Hiện tại hoàn thành, Tương lai đơn. Tiếp đó, học Template các dạng bài của Writing Task 2. Đây sẽ giống như phần xương sống giúp bài viết của các bạn cứng cáp và rõ ràng hơn. Anh có tài liệu Template ở đây, các bạn tải về học nhé:
https://ieltsxuanphi.edu.vn/ielts-writing-task-2-template-de-duoc-band-8-0/
Sau khi nắm vững Template và ngữ pháp rồi, các bạn chuyển sang học về công thức PEER để nắm được cách triển khai idea. Với vấn đề các bạn đang gặp phải thì PEER sẽ là giải pháp cực kỳ hiệu quả, giúp em biết cách chọn idea, sắp xếp và triển khai một cách rành mạch và logic. Anh đã chia sẻ về công thức PEER ở phía trên (có thể áp dụng cho cả Speaking) nên các bạn đọc thật kỹ nha.
* Chấm chữa Writing bằng AI
– writing task 1 của em em hay nhờ chat gpt chấm thì chat chấm khoảng 6.0-6.5 hay em chấm ở lexibot cũng band đó nhưng khi cô giáo em chấm thì chỉ tầm 5.0 thì cái nào đúng ạ khi cô giáo sửa bài em thì chỉ ra 1-2 lỗi sai ngữ pháp (e thấy bài mk khá ổn chỉ là vocab ko đa dạng mà mức điểm cô đánh giá có đúng không ạ hay AI chuẩn hơn thế ạ)
– em muốn tìm 1 số web chấm chữa writing và speaking free ạ
Trả lời
Việc chữa bài qua các Website miễn phí không thực sự hiệu quả và tối ưu đâu các bạn. Các Web thường chỉ ra những lỗi sai từ vựng và ngữ pháp là chủ yếu, còn 2 yếu tố quan trọng khác là CC và TA thì không chấm được. Trong khi đó đây lại là 2 yếu tố các bạn rất hay mắc lỗi trong phòng thi nhưng không thể tự phát hiện hoặc nếu phát hiện ra thì không biết cách sửa.
Chat GPT anh đã sử dụng và thấy hiệu quả nhất là về mặt gợi ý idea giúp các bạn, còn về chấm điểm cũng không chuẩn đâu nhé. Một vài Website khác như Grammarly hay IELTS8plus cũng không chỉ ra được những lỗi TA, CC. Tốt nhất để chữa được đủ 4 tiêu chí thì các em vẫn cần người có trình độ cao hơn chữa, và phải chữa thật kỹ thì mình mới tiến bộ được nha.