Chia sẻ của bạn Nguyễn Bảo Long – IELTS 8.0
Xin chào mọi người! Một chút về bản thân, thì mình đang là sinh viên năm hai ngành Ngôn ngữ Anh. Vâng, đọc đến đây có thể bạn sẽ nghĩ, “Ultr, bạn có nền trước rồi, cộng thêm là sinh viên NNA, nên mới đạt 8.0 dễ như ăn bánh như thế.” :))) Thì cũng đúng là vậy, nhưng mà mình cũng đã phấn đấu và học cách thay đổi mindset của bản thân rất nhiều mới có được kết quả như ngày hôm nay.
Kế hoạch ôn thi IELTS nước rút trong một tháng chỉ là trường hợp chủ quan của riêng mình thôi, và mình không khuyến khích các bạn làm theo đâu vì cường độ của nó khá là cao, nhưng một số tips có thể sẽ vẫn giúp ích cho các bạn trong một kế hoạch dài hạn đấy.
I: KỸ NĂNG NỀN:
Để đạt được số điểm IELTS cao trình độ C1, C2 đòi hỏi các bạn phải tiếp xúc với IELTS trong một thời gian rất dài và có kiến thức nền khá vững rồi. Trường hợp của mình là tầm 4 năm, bắt đầu từ thời điểm chuyển tiếp giữa năm lớp 10 và 11. Mới đầu vô test đầu vào lớp 10 điểm tiếng Anh mình còn thuộc hạng bét nhất lớp nữa cơ. Nhưng mà dần dà mình trở nên yêu thích tiếng Anh nhờ có cô Hoàng Lan đã truyền cảm hứng cho mình rất nhiều. Mình còn nhớ như in câu nói của cô:
“Tiếng Anh không phải là một môn khoa học, không cần phải có năng khiếu mới học được, ai cũng sẽ có lúc giỏi tiếng Anh thôi nếu chăm chỉ đến cùng.” Nhờ đó mình mới ngộ ra cách nhìn nhận tiếng Anh của mình đã không chính xác lắm, và mình đã thay đổi hoàn toàn quan điểm đó, không còn xem nó là một gánh nặng, một thứ gì đó xa vời mà chỉ có những người IQ cao mới học được, mà mình học cách yêu thích nó, biến nó trở thành một phần của cuộc đời mình, nhờ đó mà mình mới được như ngày hôm nay.
Hẳn các bạn đã nghe tới những “huyền thoại” giỏi tiếng Anh chỉ bằng cách xem meme và xem phim đúng không? Mình cũng y như vậy đó. Mình xây dựng nền tảng tiếng Anh bài bản từ từ qua những thứ thường nhật trong đời sống hết chứ không phải hoàn toàn qua việc chúi mũi vô sách vở đâu, từ việc xem phim bằng Engsub, giải trí bằng mấy cái meme về pun (chơi chữ), cho tới nhại đi nhại lại các câu thoại yêu thích từ các bộ phim.
Mình làm bạn với tiếng Anh một cách rất tự nhiên, y như những đứa trẻ khi còn nhỏ bập bẹ lại những gì chúng nghe được từ thế giới xung quanh. Rồi khi mình đã cảm thấy thoải mái với tiếng Anh, mình bắt đầu học kỹ lại tất cả những kiến thức ngữ pháp trong trường và tìm các nguồn tiếng Anh bên ngoài, và cho đến một tháng trước ngày thi mình mới bắt đầu thực sự chú tâm vào IELTS.
Mấu chốt ở đây là các bạn phải tạo ra một tâm thế thực sự thoải mái khi đối mặt với tiếng Anh, để bản thân có thể học cách yêu thương nó, chinh phục nó, như khi bạn crush một ai đó bạn sẽ cố gắng chứng minh bản thân xứng đáng với người đó vậy, chứ không phải xem nó như một gánh nặng rồi cố đấm ăn xôi mà học thì kết quả cũng chẳng khá khẩm hơn là bao đâu.
Sau đây mình sẽ đi sâu vào chia sẻ câu chuyện mình đã chinh phục các kỹ năng như thế nào, mong là các bạn sẽ không bị nản bởi lối viết dông dài này của mình.
II: READING & WRITING:
Mình xếp hai kỹ năng này vào một nhóm gọi là Written communication (giao tiếp bằng văn bản) vì cả hai có thể bổ trợ cho nhau rất nhiều.
- Reading:
Cũng như bao người, reading là kỹ năng mà mình có thể coi là tự tin nhất, vì hầu hết chương trình phổ thông chỉ đều xoay quanh grammar với reading không thôi mà. Nhưng reading trong IELTS lại ở một tầm khác, nhiều từ vựng học thuật hơn, đoạn văn dài hơn nữa, mà để đạt được điểm cao thì buộc các bạn phải có chiến thuật làm bài hiệu quả.
Cá nhân mình không mấy mặn mà với chiến thuật skim/scan vì đấy chỉ là cách đọc lướt, nhiều khi bạn có thể skim ra nhưng bạn lại không hiểu mấu chốt bài viết đang đề cập đến điều gì, và nhiều khi nhà soạn đề có thể đánh lừa bạn nữa: Bạn tìm ra keyword rồi, “Aha, mừng quá!” nhưng bạn lại không biết bạn đang sa vào lưới, bởi vì nó có thể được paraphrase khác đi trong đoạn văn rất nhiều, và còn có thể đang nằm ở một ngữ cảnh khác nữa. Thêm nữa, skim/scan chỉ là cách làm bài đối phó, rồi sau này khi các bạn đi làm hoặc đi học trong môi trường quốc tế đòi hỏi các bạn phải đọc nhiều tài liệu tiếng Anh, các bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi thế nên mình thiên về một phương pháp khác toàn diện và hiệu quả hơn.
Đó chính là: linear thinking (tư duy tuyến tính). Mình sẽ xem bài văn là một mạch văn hoàn chỉnh, và khi đọc mình sẽ luôn đặt câu hỏi đoạn A liên kết với đoạn B như thế nào, tác giả đang đưa ra luận điểm để chứng minh cho điều gì. Như thế bạn sẽ có cái nhìn tổng thể về đoạn văn, và biết tìm những câu trả lời ở đâu, vì các câu trả lời được xếp theo thứ tự nối tiếp nhau trong toàn bài văn.
Một kỹ thuật nhỏ trong lối tư duy tuyến tính là kỹ thuật khái quát hóa, tức là bạn sẽ tóm gọn phần thông tin của một paragraph vào một hai câu nhất định, điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho phần matching headings, hoặc là summary. Cách tư duy này phải luyện tập khá nhiều vì bạn không thể nhìn ngay ra được bức tranh tổng thể mà phải xem xét các ý trong mối tương quan với nhau, xem coi chúng hỗ trợ nhau thế nào, rồi tất cả đều phục vụ cho một luận điểm nào.
Một điều cốt lõi trong reading học thuật đó là mình chỉ cần nhìn ra được những gì được nêu trong bài thôi. Tất cả mọi câu trả lời khả dĩ đều được paraphrase hết trong đoạn văn, bạn không cần dựa vào ý kiến cả nhân, ngay cả khi bạn thấy nó hợp lý, kiểu như, “Ờ, câu này đúng nè vì ở ngoài đời y chang vậy”. Nhất định phải cảnh giác nha, tất cả đáp án PHẢI ĐƯỢC PARAPHRASE trong bài, cho dù nó có nghe hợp lý nhưng trong bài không đề cập thì cũng không chọn được nha. Cho dù paraphrase có kỳ khôi hay ngộ nghĩnh đến thế nào thì nó vẫn đúng hơn những out-of-context answers (câu trả lời đi quá xa khỏi ngữ cảnh bài đọc).
Xong phần những kỹ thuật cơ bản rồi, bây giờ đến kế hoạch luyện đề của mình đây (mình biết là bài đọc có thể khiến mấy bạn thấy nản, nên trước khi đọc hãy tự nhủ với bản thân rằng, “Oh, this topic seems interesting. I think I might be into it” để tự khích lệ bản thân trước nha, và hơn nữa hãy xem reading như một công cụ hỗ trợ writing, vì các bạn phải đọc và học cách tư duy của những người nói tiếng Anh thì các bạn mới viết được một bài essay tiếng Anh đúng không nè?)
- Bộ luyện đề thần thánh của Cambridge: mình có sẵn Cam 8 rồi nên mình làm cuốn đó trước, sau đó mình down thêm Cam 15, 16 về làm vì nghe nói nó giống đề thi thật. Nhưng Cam có khi sẽ dễ hơn bài thi thật, nên mình muốn thử thách bản thân một xíu, chuyển sang bộ tài liệu khó hơn để lỡ ra thi mình không bị sốc.
- Đó chính là bộ IELTS Practice test plus! Độ khó ngược từ cuốn 3 lên nha nên mình làm cuốn 3 trước, cuốn 3 phải nói là khá khoai so với Cam rồi, nhưng mình vẫn đạt ở band 8, qua tới cuốn 2 mình tuột dốc thảm hại luôn, nó khó muốn khóc luôn á, nhiều khi mình bị tuột band còn 7.0-7.5. Cuốn 1 thì mình nghĩ không nên làm nha vì nó khó ngoài sức tưởng tượng luôn rồi, cùng với format quá cũ không còn hợp với đề thi hiện nay nữa.
- Cách luyện đề thứ ba cũng là sử dụng bộ Cam, nhưng làm theo thứ tự độ khó tăng dần, các bạn có thể xem về bảng phân loại độ khó các đề Cam của thầy Liêu Quốc Sơn nha, rồi lên kế hoạch làm dần các đề từ medium tới difficult.
- Writing:
Xong kỹ năng nền là reading rồi, bây giờ tới productive skill là writing mới khó nhằn đây. Đây là khi mấy bạn phải nhớ lại hết tất cả những gì mình đã đọc và vận dụng vào để viết ra một bài riêng mình.
Trước khi đến với academic writing thì mình “luyện viết” rất thoải mái qua việc chat với người nước ngoài qua các nền tảng kết bạn trực tuyến mà các bạn có thể dùng, cá nhân mình thì mình hay dùng Omegle với Slowly.
Rồi đến với academic writing: trước khi biết khóa học của thầy Xuân Phi thì mình đã từng mua và tự học bộ sách của thầy Ngọc Bách rồi, trong đó chủ yếu mình học từ vựng theo topic rồi đọc các bài mẫu thầy viết. Nếu thời gian ôn thi của các bạn còn dài thì mình recommend học thế này. Nhưng thiết nghĩ mình cần phải thực sự viết bài thì mới khá lên được, nên mình mới tìm đến khóa học writing cá nhân hóa của thầy Phạm Xuân Phi – IELTS Xuân Phi vì mình cần một người chỉ dẫn tận tình trước ngày thi, chứ không mình cứ tự viết rồi tự khen thì mãi chẳng khá lên nổi quá. :)))
Thầy sẽ có bộ video bài giảng sẵn, và các bạn sẽ được thầy lên lộ trình cho học tùy theo khung thời gian mà mình có cho việc ôn thi nha. Chất lượng của phương pháp PEER thì mình sẽ không nói lại nữa do đã có nhiều bài đề cập rồi, mình chỉ muốn nói mình thực sự rất biết ơn vì thầy đã rất tận tình sửa lỗi và feedback rất chi tiết cho các bài viết của mình. Vì trước đây mình không có sự hướng dẫn tận tình nên mình cứ viết theo kiểu dài ngoằng ấy, có nhiêu từ mình biết mình cho hết vào bài viết, thành ra nó lại quá màu mè và counter-productive (phản tác dụng). Qua khóa học mình mới nhận ra cái mấu chốt của văn học thuật tiếng Anh là mình phải viết gãy gọn, trình bày ý kiến một cách dễ hiểu nhất cho examiner, không quan trọng những từ vựng quá cao siêu và bài văn quá complicated đâu.
- Cụ thể hơn, về writing task 1 thì trước mắt các bạn phải học cách phân tích được biểu đồ rồi mới đặt bút vào viết được. Và khi đã biết cách phân tích rồi thì các bạn chỉ cần áp dụng template cho từng dạng bài là viết được thôi (không tính mấy bài process kinh điển như khinh khí cầu với con ngựa nha…) Và khóa học của thầy Phi cung cấp cho mình hết tất cả bộ từ vựng cũng như cấu trúc câu cần thiết cho task 1.
- Về task 2 thì mặc dù mình đọc nhiều nhưng hầu hết là những chủ đề mình thích, bởi vậy nên khá là bấn loạn khi nhận ra có nhiều lĩnh vực mình hoàn toàn mù mờ như crime, space, business… Nhưng may mắn là thầy cũng có soạn một bộ ý tưởng writing task 2, và mình đã bám sát vào đó để thu thập kiến thức cần thiết cho các dạng bài. Cốt lõi không chỉ là đọc suông, mà các bạn còn phải chủ động nhớ lại những gì mình đã đọc nữa. Cá nhân mình sau khi đọc xong 5 đề bài của một topic, thì mình sẽ dùng hết sức bình sinh recall và viết lại những gì mình đã học, chứ cứ để không chỉ nó trôi đi mất tiêu luôn á.
Về việc viết bài thì bởi vì thời gian khá ngắn nên mình có một lộ trình học rất là intense, và tổng cộng mình đã viết tầm 30 bài cho cả hai task/1 tháng luyện thi IETLS (trong đó có hai bài gửi cho examiner chấm). Nhưng mà nó đáng lắm nha, nhờ áp lực vậy mình mới cố gắng hết mình.
À còn một điểm này nữa, gần ngày thi mình có in ra tập đề thi thật để ngồi phân tích và note ý ra (cả hai task luôn). Vì mình không thể viết hết tất cả các bài được nên mình muốn kiểm tra thử mình có thể brainstorm được bao nhiêu ý cho các dạng bài.
Reading và writing cơ bản là vậy đó. Nếu các bạn muốn tìm hiểu sâu hơn hoặc có câu hỏi gì thì các bạn cứ thoải mái nhắn tin mình nha. Đây là những chia sẻ thật lòng của mình về việc học tiếng Anh nói chung và IELTS nói riêng. Xin mọi người thông cảm nếu bài viết dài dòng quá, mình sẽ cố gắng cải thiện vào bài viết sau về Listening và Speaking.