“Planning” là một bước quan trọng trong quá trình viết một bài Task 2, bởi việc này sẽ giúp bạn làm bài tốt hơn và đỡ mệt hơn sau khi thi xong Listening và Reading.
Tầm quan trọng của việc “plan” trước khi viết
Việc lên ý tưởng, định hình trước nội dung của bài trước khi viết giúp các bạn đưa ra được một mạch ý tưởng, lập luận logic hơn. Điều này là bởi khi các bạn dành thời gian nghĩ trước là mình sẽ viết ý gì, giải thích ra sao, ví dụ như thế nào, các bạn sẽ phát hiện trước được lỗi sai, lỗ hổng trong lập luận của mình từ sớm, từ đó điều chỉnh sao cho hợp lý.
Ngược lại, việc các bạn vừa viết vừa nghĩ sẽ tạo ra một mạch phân tích thiếu logic, dễ mắc các lỗi trình bày không đáng có trong bài, và cuối cùng là sẽ khó được điểm cao.
Vậy Plan trong bao lâu là hợp lý?
Thời gian trong phòng thi không quá dài, các bạn chỉ có 40’ để vừa plan, vừa viết và vừa proofread lại. Bởi vậy, các bạn nên dành từ 3-5p cho bước chuẩn bị. Thời gian này là vừa đủ để các bạn xác định ý tưởng chung cho bài, đồng thời cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới thời gian viết.
Bước này cũng giúp cho các bạn tiết kiệm thời gian suy nghĩ khi viết khá nhiều, nên các bạn cũng không phải lo là “plan” lâu thì ít thời gian viết nhé. Các bạn nên luyện tập việc “plan” này trong các bài luyện tập ở nhà, để tạo thói quen lên ý tưởng và viết outline cho mình.
Vậy plan như thế nào? Plan những nội dung gì?
Điều đầu tiên các bạn cần làm đó là đọc thật kĩ đề bài, gạch chân và take note để xác định các đối tượng sau.
- Nội dung/Vấn đề đề bài đưa
- Yêu cầu của đề bài
- Quan điểm cá nhân ( trả lời câu hỏi của đề)
- Các ý tưởng cụ thể để bổ trợ
- Các lập luận và ví dụ bổ trợ cho các ý tưởng đó
- Thứ tự/Cách trình bày đoạn văn
Sau khi xác định được các yếu tố này, các bạn có thể bắt tay vào viết bài luôn mà không phải lo nghĩ nhiều tới nội dung chung nữa. Bây giờ các bạn chỉ cần chuyển thể các ý tưởng này thành câu cụ thể thôi.
*Phần note này các bạn có thể viết luôn vào tờ đề nhé, bởi tờ này sẽ không đến tay Examiner sau khi nộp bài thi đâu.